1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] (10.H_mt) (11.H_qh)

jeudi 7 juin 2007

Dự luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Việt ra sao?

Dự luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Việt ra sao?
2007.06.07
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Thứ Ba 5 tây vừa rồi là ngày thượng viện Mỹ tái nhóm để thảo luận chi tiết về Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú Thượng Viện S1348 do hành pháp của tổng thống Bush chuyển qua. Nếu được thông qua và thành luật thì hệ thống mới sẽ ảnh hưởng đến 12 triệu di dân bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, trong đó có một số nhỏ người Việt.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
Tải xuống để nghe

Trang web của State.gov
Nhưng điều khiến người Mỹ gốc Việt nói riêng cảm thấy lo nhất là nếu dự luật được thông qua thì coi như họ mất quyền bảo trợ thân nhân từ trong nước qua đoàn tụ gia đình với mình.

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay là ông Nam Lộc, giám đốc chuyên trách di dân và tị nạn thuộc USCC, Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ ở Los Angeles, bang California. Làm việc với USCC 33 năm nay, am hiểu chi tiết và đang theo dõi mọi thông tin về Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú Thượng Viện S1348, ông Nam Lộc giải thích:
“Suốt mấy năm nay có thể nói chính phủ Hoa Kỳ cũng như rất nhiều vị dân cử ở quốc hội muốn hình thành một hệ thống di trú mới và đặc biết là giải quyết vấn đề hơn mười triệu người sống bất hợp lệ ở Hoa Kỳ. Tất cả đều đồng ý là không có một phương cách nào để không cho họ tiếp tục sống ở đây bởi họ đã sinh con đẻ cái và có những liên hệ chặc chẻ với đất nước này gần 20 năm qua.

Đồng thời kế hoạch trục xuất 12 triệu người bất hợp lệ ra khỏi đất nước này là điều không thể thực hiện được. Vì thế cho nên cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà cũng như hành pháp và quốc hội đồng ý tiến đến một dự thảo luật để cải đổi hệ thống di trú và hợp thức hoá cho khoảng 12 triệu người đang có mặt bất hợp lệ ở Hoa Kỳ.

Nội dung của bản dự thảo đã được công bố và nếu có nhiều người ủng hộ kế hoạch hợp thức hoá thì cũng có rất nhiều điều khoản làm cho những công dân Hoa Kỳ hay những thường trú nhân phản đối, đặc biệt là vấn đề bãi bỏ các diện bảo trợ gia đình theo thứ tự ưu tiên.”

Ảnh hưởng nặng nề
Suốt mấy năm nay có thể nói chính phủ Hoa Kỳ cũng như rất nhiều vị dân cử ở quốc hội muốn hình thành một hệ thống di trú mới và đặc biết là giải quyết vấn đề hơn mười triệu người sống bất hợp lệ ở Hoa Kỳ. Tất cả đều đồng ý là không có một phương cách nào để không cho họ tiếp tục sống ở đây bởi họ đã sinh con đẻ cái và có những liên hệ chặc chẻ với đất nước này gần 20 năm qua.

Ông Nam Lộc giải thích

Vậy những điểm nào trong dự thảo luật mà người Mỹ gốc Việt lo lắng và cố vận động chống lại, ông Nam Lộc cho biết tiếp :
“Riêng về cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì có thể nói rằng thụ hưởng cái quyền lợi hợp thứ hoá thì ít vì đa số đều sống ở Hoa Kỳ hợp lệ . Nhưng việc bãi bỏ hệ thống bảo trợ gia đình qua thứ tự ưu tiên thì nó ảnh hưởng rất nặng nề.

Hầu hết người Việt đến Hoa Kỳ qua diện tị nạn, ai cũng có sự phân ly chia cách với gia đình. Nhiều người đã nộp đơn bảo trợ gia đình, nhiều người đang chờ đợi có quốc tịch để bảo trợ cho cha mẹ anh chị em hoặc con cái đoàn tụ với họ. Với những điều khoản vừa đưa ra trong Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú Thượng Viện có danh số S1348, đề nghị bãi bỏ hoàn toàn bốn cái ưu tiên .
Ưu tiên thứ nhất là cha mẹ có quốc tịch Hoa Kỳ bảo trợ cho con độc thân trên 21 tuổi, tức diện F1.

Ưu tiên F2B là của thường trú nhân có thẻ xanh, bảo trợ cho con độc thân trên 21 tuổi.
Ưu tiên F3 mà đông đảo người Việt đang chờ đợi nhất là người có quốc tịch Hoa Kỳ bảo trợ cho con đã có gia đình . Đây là đa số những người đến Mỹ theo diện HO.
Sau cùng là ưu tiên thứ tư F4 mà cộng đồng người Việt đang áp dụng rất nhiều, đó là anh chị em có quốc tịch Hoa Kỳ bảo trợ cho nhau.”

Vẫn theo lời ông Nam Lộc, Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú mà hành pháp và lập pháp Mỹ đang nhắm tới và nếu được thông qua thì còn chứa đựng những điểm quan trọng cần biết:

“Dự Luật cũng đề nghị giảm chiếu khán con cái có quốc tịch Hoa Kỳ bảo trợ cho cha mẹ . Trước nay theo qui chế thì cha mẹ được bảo trợ có chiếu khán ngay lập tức, nhưng với dự thảo đang đệ trình ở thượng viện và nếu được thông qua thì chiếu khán dành cho con có quốc tịch bảo trợ cha mẹ bị giới hạn trong số 40.000 hàng năm, nghĩa là ít hơn một nửa .

Dự Luật cũng đề nghị giảm chiếu khán con cái có quốc tịch Hoa Kỳ bảo trợ cho cha mẹ . Trước nay theo qui chế thì cha mẹ được bảo trợ có chiếu khán ngay lập tức, nhưng với dự thảo đang đệ trình ở thượng viện và nếu được thông qua thì chiếu khán dành cho con có quốc tịch bảo trợ cha mẹ bị giới hạn trong số 40.000 hàng năm, nghĩa là ít hơn một nửa .

Ông Nam Lộc

Với những điều tôi trình bày như vậy thì cộng đồng người Việt đang cảm thấy cái tương lai đoàn tụ gia đình xem như mất đi gần 90% . Ngoại trừ diện bảo trợ cho vợ chồng con cái dưới 21 tuổi thì còn giữ, nhưng mà sau đó thì tất cả đều bị loại bỏ.”
Ông Nam Lộc cho hay đã nhận được quá nhiều tin tức phản ảnh sự hoang mang của đồng hương bên Việt Nam gọi sang , đa số là trường hợp con cái đang chờ đoàn tụ với cha mẹ ở Hoa Kỳ.

“Tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh ở đây là trong dự luật này thượng viện Hoa Kỳ nói rõ họ đề nghị sẽ bãi bỏ tất cả những ưu tiên này trong tương lai. Nhưng đặc biệt họ dùng cái “cut off date” tức cái ngày sẽ áp dụng là ngày mùng Một tháng Năm 2005. Có nghĩa là tất cả những đơn nộp bảo trợ qua những diện mà tôi vừa trình bày mà nếu nộp sau ngày mùng Một tháng Năm 2005 trở đi thì cũng sẽ bị loại bỏ.
Và nếu làm như vậy thì hiện nay có vào khoảng 880.000 hồ sơ bảo trợ gia đình ở những qui chế đó có thể trở thành vô giá trị. Đây là một điều khiến nhiều người bất mãn. Mấy hôm nay cộng đồng có nhiều dịp gặp gỡ, liên hệ cũng như gởi thư cho các vị thượng nghị sĩ và dân biểu để vận động.

Tôi được biết thượng viện sẽ cứu xét một tu chính án của thượng nghị sĩ Hagel, đề nghị ngày cut off date tức ngày ảnh hưởng thay vì là mùng Một tháng Năm 2005 thì nên dời xuống ngày mùng Một tháng Một 2007. Một số tu chính án khác cũng hy vọng được tái cứu xét.”

Tiêu cực

Vào khi có sự vận động ráo riết từ các cử tri Mỹ gốc La Tinh , Mỹ gốc Âu và Mỹ gốc Á đối với Dự Thảo Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú mà tin nói có thể sẽ được thông qua ngày mai, thứ Sáu 8 tây như dự kiến, thì ông Nam Lộc cho rằng câu hỏi hóc búa nhất lúc này là dự luật sẽ được thông qua hay không được thông qua.
Với kinh nghiệm hơn ba mươi năm làm việc cho cơ quan từ thiện Công Giáo trong tư cách giám đốc chuyên trách di dân và tị nạn, ông nói ông chỉ có thể trả lời với tất cả sự thận trọng dè dặt là :

“Có thể nói rằng chưa bao giờ tôi cảm thấy tiêu cực bằng cuộc vận động lần này. Sở dĩ như vậy vì tôi đặt mình trong trường hợp cha mẹ có hai đứa con sắp sửa xuống tàu vượt biên chẳng hạn nhưng chủ tàu chỉ cho một trong hai đứa đi mà thôi, mà mình thương cả hai con, ở lại thì chết hết mà đi thì phải bỏ lại một đứa.

Nhưng mà điều kiện khó khăn nhất là cái điểm thứ tư, tức muốn xin thẻ xanh thì người đương đơn phải trở về quốc gia của mình. Thí dụ mười triệu người Mễ thì phải trở về Mễ cả 10 triệu, thí dụ một trăm ngàn người Việt Nam thì một trăm ngàn đó phải đi về Việt Nam , rồi xin thẻ xanh từ toà lãnh sự Hoa Kỳ chứ không nộp đơn ở bên Mỹ. Sau khi được cấp thì đương sự mới được trở lại Hoa Kỳ .

Ông Nam Lộc

Hiện giờ tôi nghĩ đa số những vị dân cử ủng hộ di dân đều ở trong hoàn cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội. Nếu chiều lòng những người tị nạn những người di dân để tiếp tục chương trình đoàn tụ gia đình thì xem như phải đứt ruột để cho hơn 10 triệu người bất hợp kệ không có cơ hội bước ra khỏi ánh sáng của cuộc đời mà họ đã cực khổ suốt bao năm qua.

Còn nếu binh vực những người bất hợp lệ thì đành phải chấp nhận một điều kiện do hành pháp đưa ra là bỏ đi tình trạng “Chain Immigrantion” di dân dây chuyền , nghĩa là nếu cho 12 triệu được hợp thức hoá thì làm sao bảo đảm sẽ không có 12 triệu, 14 triệu hay 48 triệu người khác nếu cứ tiếp tục cho đoàn tụ gia đình như vậy.
Cho nên có thể nói một câu là có lẽ sẽ mất đi diện bảo lãnh theo thứ tự ưu tiên. Cố gắng lắm thì có thể người ta kéo dài thời gian ảnh hưởng, lý tưởng là đến ngày áp dụng và ngày ban hành đạo luật này .”
Thủ tục hợp thức hoá
Trở lại vấn đề cư trú bất hợp pháp, số liệu của các cơ quan di trú Mỹ cho thấy cũng có tình trạng sống chui của người Việt Nam ở đây:

“Chắc chắn là có những người sống ở đây bất hợp lệ. Thí dụ thân nhân từ Pháp, Anh Bỉ Canada sang đây thăm gia đình rồi quyết định ở luôn, hay là những người từ Việt Nam cha mẹ anh chị em sang theo đường du lịch rồi ở lại, cũng có những sinh viên qua đây học rồi tìm việc làm để ở lại hoặc có những liên hệ nào đó nên không muốn trở về vân vân… Những người này sẽ có cơ hội nếu dự luật này được thông qua , họ sẽ nằm trong số 12 triệu người được hợp thức hoá trong tương lai.”
Nhưng thủ tục hợp thức hoá đó cũng không đơn giản như người ta tưởng, bởi phải qua nhiều chặng chông gai và phải mất nhiều thời gian:

“Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú nếu được thông qua thì những điều kiện cho người bất hợp lệ hợp thức hoá để mà được ở lại như sau:
Thứ nhất tất cả di dân cư trú bất hợp lệ trước ngày Một tháng Một năm 2007, xin lập lại phải trước ngày Một tháng Một 2007 và phải sống liên tục cho đến ngày cho phép nộp đơn . Những người đó có thể ghi danh để được nhận chiếu khán cư trú tạm thời, với điều kiện phải chứng minh là họ có công ăn việc làm , chưa hề phạm tội. Điều này cho thấy những người có tôi hay lý lịch không tốt sẽ bị trục xuất.

Thứ hai là sau một thời gian tính vào khoảng bốn năm, tức là điều kiện chính phủ phải lậphệ thống kiểm soát biên giới , kiểm soát những người thuê mướn công nhân bất hợp pháp vân vân…Những hệ thống đó phải được tiến hành và thực hiện rồi đó, lúc đó họ mới cho phép những người tôi vừa kể được nộp đơn để xin chiếu khán có tên là Zvisa, và phải nộp tiền phạt là một ngàn đô la nếu là chủ gia đình, năm trăm cho mỗi thành viên khác trong gia đình.

Ngoài ra còn phải đóng lệ phí nộp đơn và đồng thời trải qua các thủ tục điều tra lý lịch, phải chứng minh đã và đang tiếp tục làm việc , phải biết Anh ngữ cũng như là có kiến thức tối thiểu. Lúc đó họ mới cấp chiếu khán Z . Chiếu khán Z này có hiệu lực trong vòng bốn năm và có thể xin gia hạn. Sau tám năm kể từ ngày đạo luật này được ban hành thì những người có chiếu khán Z mới có thể nộp đơn xin thẻ xanh nhưng vẫn với những điều kiện khó khăn về việc làm, Anh ngữ, lý lịch và trình độ.

Nhưng mà điều kiện khó khăn nhất là cái điểm thứ tư, tức muốn xin thẻ xanh thì người đương đơn phải trở về quốc gia của mình. Thí dụ mười triệu người Mễ thì phải trở về Mễ cả 10 triệu, thí dụ một trăm ngàn người Việt Nam thì một trăm ngàn đó phải đi về Việt Nam , rồi xin thẻ xanh từ toà lãnh sự Hoa Kỳ chứ không nộp đơn ở bên Mỹ. Sau khi được cấp thì đương sự mới được trở lại Hoa Kỳ .

Nó lại buồn cười và trái cẳng ngỗng là chỉ có chủ gia đình phải đi ra khỏi Mỹ mà thôi, còn thân nhân hay người phối ngẫu vẫn được ở Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là nếu người chủ gia đình bị từ chố ikhông được vào Hoa Kỳ nữa thì vợ hay con cái phải làm sao?
Đó là chưa kể sau khi có thẻ xanh rồi thì đương sự phải đợi thêm năm năm nữa thì mới có thể xin nhập tịch Hoa Kỳ . Nói tóm lại những điều kiện những tiến trình để mà hợp thức hoá của một di dân đang sống bất hợp lệ cũng rất là chông gai và kéo dài rất là lâu, có thể đến 13 năm sau thì đương sự mời trở thành công dân Mỹ.”

Hôm thứ Ba năm 5 tây vừa qua thượng viện Hoa Kỳ tái nhóm để tiếp tục thảo luận về Dự Luật Cải Tổ Hệ Thống Di Trú . Có chừng hai mươi khoản tu chính liên quan được mang ra bàn cãi . Thế nhưng vì tính chất phức tạp và tế nhị của từng vấn đề nên cuộc họp không mang lại kết quả mong đợi. Giới thạo tin cho rằng thượng viện khó có thể đúc kết để kịp thông qua vào ngày mai như dự định.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Thông tin trên mạng:
- Thông tin về tiến trình Tái Định Cư Nhân Đạo (HR)
- Joint U.S. - Vietnamese Announcement of Humanitarian Resettlement Program
- Humanitarian Resettlement Program Boat People SOS
- Information Regarding Humanitarian Resettlement (HR)
- Humanitarian Resettlement Program
Tiếng Việt
© 2007 Radio Free Asia
Những bài liên quan
Chương trình định cư Nhân Đạo HR sẽ chấm dứt vào tháng Sáu 2008
Cộng đồng người Việt ở Mỹ chuẩn bị “đón” chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
Người trẻ Việt Nam ở Mỹ vận động chính giới Hoa Kỳ lưu tâm đến nhóm 8406
Nữ sinh viên Mỹ gốc Việt tốt nghiệp Cử nhân Sinh hoá với nhiều phần thưởng danh dự
Ðại hội truyền thông người Mỹ gốc Việt tại Houston, Texas
Khánh thành Bia tị nạn tưởng niệm thuyền nhân ở nước Đức
Lễ khánh thành bia tỵ nạn, tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Đức
Thảm cảnh của phụ nữ Việt quê mùa chất phác đi giúp việc nhà ở Đài Loan
Sinh viên Việt Nam du học tại thủ đô Bắc Kinh

samedi 2 juin 2007

LHQ: Mỹ Nợ, Toàn Cầu Nguy, Đô La Có Cơ Mất Giá, Suy Sụp

LHQ: Mỹ Nợ, Toàn Cầu Nguy, Đô La Có Cơ Mất Giá, Suy Sụp

Việt Báo Thứ Bảy, 6/2/2007, 12:02:00 AM

Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm đã cảnh cáo Hoa Kỳ, cho rằng đồng đô la nước này đang đối diện với nguy cơ sụp đổ vì món nợ quá lớn, không trả nổi. Hiện nay Hoa Kỳ đang nợ ngập đầu, lên tới 3 ngàn tỉ đô, có thể trở thành mối nguy không chống đỡ được trong những tháng còn lại của năm 2007 và có thể lan tới thời gian sau, trở thành một áp lực hãi hùng đối với đồng đô la Mỹ.

Đây là lời cảnh báo mà ông Rob Vos, Giám Đốc Phòng Phân tích và Phát Triển Chính Sách của Bộ Kinh Tế và Dịch Vụ Xã Hội (Development Policy and Analysis Division of the Department of Economic and Social Affairs - DESA), đặt ra với các ký giả tham dự buổi họp báo tại tổng hành dinh của tổ chức này.

Ông Rob Vos trích dẫn thí dụ trước đây, đợt cao điểm mà đồng đô la Mỹ mất giá so với các đơn vị tiền tệ mạnh khác hồi năm 2002, sụt khoảng 35% và 25% so với các đơn vị tiền tệ mạnh khác trên thế giới. Vos đã đưa ra nhận định này khi công bố phúc trình về Tình Hình và Triển Vọng Kinh Tế Thế Giới (World Economic Situation and Prospects) năm 2007.

Ông cảnh cáo rằng nợ nần chồng chất sẽ dẫn tới nguy cơ mất giá mạnh đồng đô la. Theo ông, các quốc gia đang nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ, họ lo đồng đô la mất giá sẽ khiến trị giá tài sản của họ dựa vào đồng đô la bị mất giá theo, sẽ tác động trở lại, làm đồng đô la Mỹ sụt giá mạnh hơn. Ông cho rằng nguy cơ hỗn loạn có thể xảy ra khắp nơi vì đồng đô la bị mất giá. Hiện nay, vấn đề thách thức là cần phải có chính sách ngăn ngừa sự sụt giá của đồng đô la Mỹ và điều chỉnh sự mất cân bằng toàn cầu.

Trong lĩnh vực địa ốc Hoa Kỳ, ông cho rằng sự suy thoái sẽ còn tiếp tục trong năm 2007, vì số nhà không bán được quá nhiều. Vì giá nhà không giảm, tình trạng suy thoái vẫn sẽ tiếp tục kéo dài. Sự sụt giảm nhiều mức giá khác sẽ tác động tới thị trường trong nước, điển hình là sức mua bán nhà tại Hoa Kỳ, dẫn tới kết quả là suy thoái hàng loạt hoạt động kinh tế, và tốc độ tăng trưởng từ 2.1% sẽ xuống còn 0.5% trong năm 2007 và 2008. Tình hình đó sẽ làm cho nền kinh tế thế giới đình trệ và gây ra khủng hoảng ở tất cả các vùng còn lại của toàn cầu.

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=116&nid=108711

Câu Chuyện An Sinh Xã Hội Mỹ VŨ LINH .

Câu Chuyện An Sinh Xã Hội Mỹ VŨ LINH .

Việt Báo Thứ Sáu, 6/1/2007, 12:02:00 AM
...chỉ cần tỉnh táo bầu cho người có vẻ ít hứa nhăng hứa cuội nhất, Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng vậy...

Trong mùa tranh cử này, chính trị Mỹ đã trở thành một “món nhắm” rất được ưa chuộng. Mấy anh bạn ngồi với nhau làm vài chai mà không bàn đến ông McCain, bà Clinton, ông Obama, Dân Chủ, Cộng Hòa, thì chứng tỏ … chưa đủ chỉ số! Cần vài chai nữa! Mai mốt có đi bầu hay không là chuyện mai mốt.

Có một lần, sau khi đủ chỉ số trong một bữa mạn đàm, một anh bạn hỏi anh bạn khác “Thế chứ ông ủng hộ ai? Phe nào?”. Câu trả lời: “Thắc mắc làm gì chuyện Iraq? Ông bà nào cho tôi lãnh tiền già sớm, đi nhà thương nhiều mà đóng thuế ít là nhất!”. Câu trả lời này ông Nguyễn Ngọc Ngạn chắc sẽ gọi là “huề vốn”.

An sinh xã hội phải là yếu tố quan trọng nhất, dĩ nhiên. Vấn đề đặt ra là trong mấy ứng viên, ai sẽ là người đáng tin nhất, sẽ cho ta nhiều lợi lộc nhất mà xén lương ta ít nhất.

Chế độ trợ cấp an sinh xã hội tân thời của Mỹ mà chúng ta đang hưởng được Tổng Thống Roosevelt ban hành sau thời kỳ khủng hoảng tài chính lớn nhất lịch sử Mỹ đầu thập niên 1930 đưa đến thất nghiệp, đói rách, trộm cướp tràn lan.

Đây là một vấn đề hết sức phức tạp đã có hàng ngàn người viết sách báo, bàn ra tán vào mà vẫn chưa hết chuyện nói. Chúng ta không cần vào chi tiết làm gì. Chỉ cần biết đại cương là ông Roosevelt cho rằng 1) mấy ông nhà giàu có nhiều tiền quá mà ích kỷ không mang chia sẻ cho mấy ông nhà nghèo, do đó gây ra những đụng chạm trong xã hội, và 2) mấy ông có chút tiền ra tiền vô thì lại không biết giữ, xài bậy xài bạ hết, đến lúc cần hay lúc già thì túi trống trơn. Do đó, Nhà Nước là bậc phụ mẫu của thiên hạ, phải lấy bớt, đánh thuế nhiều nhiều một chút để 1) chia lại cho mấy người nghèo, và 2) giữ tiền dùm cho mọi người, khi già sẽ trả lại.

Trên căn bản, khó ai cãi lại được chuyện hợp lý này. Tỵ nạn 1975 đã cầy cuốc được một cơ sở làm ăn nhỏ, hay đoàn tụ sau 1990 còn đang vật lộn với lối sống của Mỹ cũng vậy thôi. Dân Mỹ cũng thế. Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng không khác. Chúng ta ai cũng muốn được giúp đỡ trong cơn khó khăn, và chia sẻ với người khác trong vận may. Và được an toàn trong những ngày cuối đời.

Nhưng, Mỹ hay nói: vào chi tiết mới là chuyện ma quỷ - the devil is in the details! Họ biết là nhiêu khê lắm.

Chúng ta đóng thuế cho Nhà Nước, dĩ nhiên mong rằng Nhà Nước giỏi lắm, sẽ “quản lý tốt” số tiền thuế đó, sẽ giúp chúng ta đủ chuyện, phần còn lại sẽ đầu tư đúng chỗ để sanh lời như nước. Tương lai chúng ta sẽ được an toàn trên xa lộ an sinh Mỹ.

Nhưng nhìn cho kỹ thì chúng ta thấy qũy an sinh xã hội Mỹ nói chung càng ngày càng hao mòn, trợ cấp chúng ta nhận được ngày một bớt đi so với giá sinh hoạt thực sự mặc dù vẫn tăng trên con số. Thậm chí, qũy an sinh của Mỹ có thể sẽ bị phá sản trong vòng mươi mười lăm năm. Tại sao?

Có hai lý do rất hiển nhiên, không cần phải là thông thái mới thấy được.

1. Quản lý bết và phí phạm. Hành chánh Mỹ, cũng như hành chánh khắp nơi trên thế giới, chưa bao giờ được nổi tiếng là hữu hiệu. Nặng nề và phí phạm (cha chung không ai khóc), xài người thiếu khả năng (chỉ cần so sánh cách làm việc của nhân viên Bank of America chẳng hạn, với nhân viên bất cứ một công sở nào của tiểu bang hay liên bang thì sẽ thấy khác biệt), chính trị (một phần ngân sách Nhà Nước bị ông thượng nghị sĩ lấy xây xa lộ gần nhà của ông), tham nhũng (không phải chỉ có mấy nước chậm tiến là được độc quyền tham nhũng).

2. Quá nhiều người già. Ngay sau thế chiến thứ hai chấm dứt, để “ăn mừng” chiến thắng, dân Mỹ đã thi đua sản xuất, dân số sanh trong cuối thập niên 1940 – đầu thập niên 1950 tăng vọt (Mỹ gọi là baby boom). Thế hệ đó đến nay đã trên dưới cái tuổi lãnh đủ thứ tiền trợ cấp. Trong khi đó thì mấy thế hệ 1960-1970 thì lo ăn mừng cuộc “cách mạng tình dục” (sexual revolution), cũng “ăn mừng” mút chỉ, nhưng không sản xuất, vui chơi mà không nhức đầu. Đưa đến tình trạng ngày nay số người già cần tiền trợ cấp thì ngày càng nhiều mà số người trẻ đóng tiền trợ cấp thì ngày một ít.

Hai yếu tố trên kết hợp lại với nhau thì dĩ nhiên qũy an sinh phải ngày càng vơi đi, và sẽ phá sản không sớm thì muộn. Thực ra, khủng hoảng này chỉ là “diện” của một vấn đề căn bản hơn: quan niệm về dân sinh của hai chính đảng Mỹ.

Quan niệm của Dân Chủ: Dân Chủ chủ trương chúng ta đưa tiền cho Nhà Nước lo dùm, qũy an sinh nếu thiếu hụt thì chúng ta đóng thuế thêm để tất cả mọi người vẫn tiếp tục được bảo đảm một đời sống an toàn. Chưa đủ. Cả ba ứng viên hàng đầu của Dân Chủ giành ghế tổng thống đều chủ trương đi thêm một bước nữa là mang bảo hiểm y tế toàn diện (universal healthcare) đến tất cả dân Mỹ. Ông Obama thì “đang nghiên cứu và sẽ có chi tiết sau”, nhưng đại khái thì ông sẽ bắt các công ty, hãng xưởng mua bảo hiểm cho tất cả nhân viên. Bà Clinton thì đã thử làm một lần năm 1993 khi ông Clinton vừa nhậm chức tổng thống, nhưng thất bại hoàn toàn khiến đảng Cộng Hoà chiếm lại đa số năm 1994, bây giờ sẽ bầy keo khác. Nhưng cả ông Obama và bà Clinton, chưa ai nói rõ sẽ tốn bao nhiêu và lấy tiền đâu ra. Ông Edwards, ngược lại, tuyên bố rõ ràng chương trình của ông sẽ tốn khoảng 120 tỷ đô một năm, tức là một nghìn tỷ trong tám năm ông làm tổng thống, nếu đắc cử. Lấy đâu ra tiền? Dĩ nhiên là sẽ phải tăng thuế đâu đó (ông Edwards hứa chỉ tăng thuế mấy nhà giàu với trên 200,000 đô lợi tức một năm), và cắt xén ngân sách đâu đó chưa ai biết rõ.

Cộng Hòa gọi đó là bánh vẽ đắt tiền của Dân Chủ, chỉ tìm cách bắt thiên hạ đóng thuế mua bánh vẽ.

Quan niệm của Cộng Hòa: Cộng Hòa quan niệm tự lực cánh sinh tốt hơn, qũy an sinh thiếu hụt vì sai lầm từ nguyên thủy nên cần cải tổ mới có thể tồn tại. Nhà Nước với mấy ông bà công chức lè phè không thể nào quản lý tốt tiền của quý vị và của tôi được. Quý vị và tôi, nếu là tiền của chính mình, sẽ lo lắng giữ của kỹ hơn, xài đúng chỗ hơn. Do đó, Nhà Nước lấy thuế bớt đi thì tốt hơn. Cần phải giảm thuế suất cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo. Giảm thuế còn có lợi là giúp phát triển kinh tế. Giảm thuế nhà nghèo sẽ giúp họ mua thêm được vài két bia, hay đàng hoàng hơn, mua được cho vợ chồng một bộ quần áo mới, vài món đồ chơi cho con, gọi là giúp đỡ kỹ nghệ may mặc và kỹ nghệ đồ chơi. Giảm thuế cho mấy ông nhà giàu thì sẽ giúp họ mua nhà to hơn (như ông Edwards), tức là giúp việc làm cho mấy anh làm môi giới bán nhà, nhà thầu xây cất, thợ mộc, thợ nề, thợ điện, anh làm vườn cắt cỏ,… Hay nếu không mua nhà lớn hơn thì họ sẽ bỏ tiền dư giả vào trương mục trong ngân hàng, và ngân hàng sẽ cho các nhà kinh doanh khác vay mượn làm ăn. Hay họ sẽ bỏ tiền đầu tư, mở mang hãng, mua thêm máy móc, thuê thêm công nhân, tăng lương không chừng, … Cách nào thì cũng đều có lợi hơn là đưa tiền cho mấy ông bà công chức phá gia chi tử. Kinh tế sẽ phát triển, bớt thất nghiệp, mức lợi tức cả nước sẽ tăng. Do đó, mặc dù thuế suất giảm, nhưng vì lợi tức chung tăng nên số thuế Nhà Nước thu vào không giảm, mà còn tăng, dư sức trả thêm trợ cấp an sinh cho những người thực sự cần.

Dân Chủ gọi đây là bánh vẽ của Cộng Hòa, chỉ kiếm cớ giảm thuế cho nhà giàu.

Thực tế như thế nào?

Đối với dân tỵ nạn, chương trình của Dân Chủ nghe thì thật hấp dẫn vì chúng ta nói chung lãnh trợ cấp thì nhiều nhưng đóng thuế chẳng bao nhiêu. Cũng như đại đa số đám dân nghèo, thợ thuyền, da đen, thiểu số, là khách hàng trung thành của Dân Chủ. Nhưng trước khi chúng ta chạy vội vào phòng phiếu để bỏ phiếu cho mấy ông bà Dân Chủ thì cũng nên nhìn lại thời gian qua. Chế độ bảo hiểm y tế toàn diện chẳng hạn, thực ra không có gì mới lạ, vì đã được Tổng Thống Truman chủ trương năm 1950, và được tất cả các chính khách Dân Chủ (kể cả Tổng Thống Bill Clinton) hứa hẹn từ hồi đó đến giờ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi đó thì thuế đóng vẫn tăng liên tục.

Chắc sẽ có người nói “mấy thằng nhà giàu, bắt tụi nó đóng thuế cho chết luôn, để mình được trợ cấp tối đa”. Thật ra “mấy thằng nhà giàu” không dại vậy đâu. Không có ngồi yên đóng thuế cho quý vị và tôi hưởng thụ đâu. Nếu dại vậy thì làm sao mà làm giàu được? Mấy ông ấy sẽ “thua me gỡ bài cào”.

Ví dụ ông chủ báo “Người Tỵ Nạn” chẳng hạn, bị bắt phải mua bảo hiểm cho nhân viên, hay bị đóng thuế nhiều sẽ quay lại, giảm bớt lương nhân công, hay sa thải bớt vài anh ký giả ưa rung đùi làm báo tại quán cóc đầu đường, hay sẽ tăng giá báo từ 25 xu lên 50 xu, hay sẽ tăng tiền đăng quảng cáo, hay sẽ làm hết mọi chuyện đó, cho chắc ăn. Giá báo đắt hơn, ít người mua hơn, ít người ngồi Phước Lộc Thọ uống cà phê đọc báo hơn, tiệm cà phê ế hơn, sẽ phải “thua me gỡ bài cào” tăng giá ly cà phê lên, hay kín đáo hơn, bỏ ít cà phê, ít đường hơn. Hãng sản xuất cà phê sẽ bán ít đi, và sẽ “thua me gỡ bài cào”, tăng giá cà phê hoặc châm chế thêm... cau rang cho rẻ. Ta có thể tiếp tục đến mai. Nhưng chúng ta cũng đã đủ thấy tăng thuế “nhà giàu” không phải là không ảnh hưởng đến mấy anh nghèo chúng ta đâu, nhất là trong cái thế giới liên lập ngày nay. Ảnh nhưởng nhẹ là lạm phát, phải trả tiền báo, tiền cà phê cao hơn. Ảnh hưởng nặng là mất job. Trong khi đó thì chưa chắc chúng ta sẽ lãnh trợ cấp nhiều hơn đâu. Đó là thực tế Dân Chủ.

Còn về phiá Cộng Hòa, trên thực tế, sau khi Tổng Thống Reagan cũng như Tổng Thống Bush 43 quyết định cắt thuế suất thì kinh tế Mỹ có phát triển mạnh và số thuế thu có gia tăng trong những năm sau đó, đúng như hứa hẹn. Nhưng rồi cũng không thấy tăng tiền an sinh gì.

Tổng Thống Reagan thì bỏ tiền vào cuộc chạy đua võ trang với Liên Xô, đưa Liên Xô đến chỗ bại vong. Tổng Thống Bush thì bỏ tiền mua bom thả xuống Afghanistan và Iraq, trồng cây dân chủ. An ninh quan trọng hơn an sinh. Đó là thực tế Cộng Hòa.

Đọc đến đây chắc sẽ có vài độc giả sốt ruột “nói nhiều quá, tóm lại, ai cắt tiền già của tôi và ai tăng tiền già của tôi?”. Xin thưa “không ai dám cắt hết, và ai cũng cố gắng tăng hết”, chỉ vì cần tranh phiếu. Từ ngày Roosevelt qua đời đến nay, đã có sáu tổng thống Cộng Hòa nắm quyền trong 34 năm, trong khi Dân Chủ nắm quyền 24 năm với năm tổng thống. Chưa một Tổng Thống Cộng Hòa nào dám cắt xén tiền an sinh xã hội hết. Nếu Cộng Hòa cắt xén tiền an sinh, không thể nào họ ở Nhà Trắng lâu hơn Dân Chủ được.

Trái lại trợ cấp lúc nào cũng tăng, thời Dân Chủ cũng như Cộng Hòa. Lúc tăng nhiều khi tăng ít, cũng có khi bị sửa đổi chế biến đôi chút, tăng đầu này giảm đầu kia (ví dụ cắt tiền mặt để tăng tiền trả nhà thương), nhưng nói chung, ngân sách an sinh chưa bao giờ bị giảm. Ngay dưới thời ông Bush hiện thời, là một trong những Tổng Thống Cộng Hòa bảo thủ nhất, chương trình trợ cấp thuốc trong Medicare đã tăng ở mức “cao nhất trong thế hệ qua” (theo báo Washington Post, là báo cấp tiến công khai chống Bush mạnh nhất). Ngược lại, Tổng Thống Dân Chủ Clinton lại là Tổng Thống xiết chặt trợ cấp thất nghiệp mạnh nhất từ năm 1996 sau khi Cộng Hoà chiếm lại đa số trong Quốc Hội. (Bà con còn nhớ thời đó là ai ai cũng sợ bị cắt giảm trợ cấp nếu không có quốc tịch Mỹ và ào ào luyện thi, đi học, để thành công dân Mỹ hay không?)

Quan niệm Dân Chủ tăng trợ cấp và Cộng Hòa cắt trợ cấp là quan niệm khá phổ thông trong cộng đồng tỵ nạn, nhưng chỉ là một cái nhìn chẳng những đơn giản không phản ảnh tính phức tạp của vấn đề, mà còn là huyền thoại, chẳng khác gì huyền thoại Cộng Hòa chống cộng hơn Dân Chủ.

Nói tóm lại, chúng ta không có gì lo ngại về tiền trợ cấp trong ngắn hạn, dù phe nào lên làm tổng thống cũng vậy. Trong dài hạn, nếu không cải tổ thì chẳng những mất tiền già thôi, tiền gì cũng mất hết. Thuế thì có hy vọng đóng ít hơn với Cộng Hòa, nhiều hơn với Dân Chủ. Còn bảo hiểm toàn diện thì … rất mong thay sẽ có ngày thấy được nó trước khi phải đi gặp… ông bà. Muốn bầu cho đúng, chúng ta chỉ cần tỉnh táo bầu cho người nào có vẻ ít hứa nhăng hứa cuội nhất, Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng vậy.

31-05-07

Sẽ Bỏ 800,000 Hồ Sơ Đoàn Tụ Gia Đình Nộp Sau 1-5-2005

Sẽ Bỏ 800,000 Hồ Sơ Đoàn Tụ Gia Đình Nộp Sau 1-5-2005

Việt Báo Thứ Sáu, 6/1/2007, 12:02:00 AM
- Dân Việt Xin Quốc Hội Mỹ Bỏ Điều Khoản Chia Cắt Gia Đình


Ông Nam Lộc (đứng) giải thích về dự luật mới. Ông Dan Hoang, ngồi.

(Westminster, VB).- Hầu như tất cả người dân Việt tham dự buổi hội thảo vào chiều Thứ Năm 31-5-2007 tại phòng họp nhật báo Người Việt, về dự luật cải tổ di trú đã được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua, đều đồng tình hưởng ứng chiến dịch gửi thư kiến nghị xin Quốc Hội Mỹ rút lại các điều khoản siết di trú, chia cắt gia đình của các công dân Hoa Kỳ. Mỗi người một lá thư đã được chuyển tới Trung Tâm Pháp Lý Á Châu và tổ chức OCAPICA (Hiệp Hội Châu Á - Thái Bình Dương) để nhờ gửi cho Quốc Hội Hoa Kỳ.

Đồng thời, cộng đồng Việt còn được kêu gọi liên lạc với Trung Tâm Pháp Lý Á Châu, qua số điện thoại (800) 267-7395, hoặc số điện thoại (714) 636-9095 của OCAPICA trình bày hoàn cảnh thật của riêng mình, nhờ truyền đạt tới Quốc Hội Hoa Kỳ.

Chủ tọa buổi hội thảo nói trên là ông Nguyễn Nam Lộc, giám đốc Văn phòng Tị Nạn và Di Trú Catholic Chrities of Los Angeles và ông Dan Hoang, chuyên viên của Ban Vận Động chính sách bảo vệ quyền lợi của di dân.

Theo ông Nguyễn Nam Lộc và ông Dan Hoang, dự luật cải tổ di trú mới có ký hiệu S. 1348 đã được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua thể hiện chính sách thực hiện các biện pháp siết chặt di trú, gây tác hại mạnh tới các cộng đồng Á Châu tại Hoa Kỳ. Theo ông Lộc, dự luật S. 1348 có tên gọi là Dự Luật về An Ninh Biên Giới và Cải Tổ Luật Di Trú, gồm 7 phần, sẽ có hiệu lực từ tháng Mười tới đây nếu được Hạ Viện thông qua và được TT Hoa Kỳ ký ban hành. Hai ông cho rằng dự luật này đặc biệt tăng nặng các hình phạt đối với người cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Hoa Kỳ và tình trạng gian lận visa để được vào Mỹ, kể cả việc chủ thuê di dân lậu làm việc. Mặt khác, cha mẹ công dân Hoa Kỳ đi du lịch thăm con sẽ chỉ được lưu lại Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày, và sẽ bị cấm vào Mỹ vĩnh viễn nếu họ ở quá thời hạn lưu trú này.

Ông Nam Lộc đặc biệt nhấn mạnh tới việc sẽ có khoảng 800,000 hồ sơ xin đoàn tụ gia đình của cha mẹ bảo lãnh con trên 21 tuổi, và diện bảo lãnh anh chị em nộp sau ngày 1/5/2005 bị xóa bỏ.

Theo hai ông, cộng đồng Việt có số hồ sơ xin đoàn tụ gia đình đông nhất trong sáu cộng đồng người Mỹ gốc Á. Dự luật S. 1348 ảnh hưởng trầm trọng tới cộng đồng người Việt vì lâu nay cộng đồng Việt tới Hoa Kỳ bằng visa làm việc rất hiếm hoi, mà phần lớn đi bằng visa đoàn tụ gia đình. Riêng trong năm 2006 chỉ có 13,000 visa làm việc cùng với 156 gia đình Việt tới Mỹ bằng visa lao động mà thôi.

Ông Dan Hoang gay gắt lên án các nhà dân cử Thượng Viện khi thông qua dự luật S. 1348, rằng Sở Di Trú nay không muốn con cái công dân Hoa Kỳ chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già và cha mẹ cũng không cần tới con trẻ…Ông cho rằng dự luật cải tổ di trú nói trên là bất công.

Theo ông Nam Lộc, một số dân Việt, nhất là những người tù cải tạo cộng sản, đã đi trễ, nhập tịch trễ và nay gia đình họ tiếp tục bị chia cắt vì dự luật S. 1348. Một phụ nữ cũng đã lên tiếng bày tỏ nỗi đau khổ vì còn hai con đang kẹt lại VN. Bà nói rằng sẵn sàng biểu tình, sẵn sàng 'chiến đấu tới hơi thở cuối cùng' để đòi Quốc Hội Hoa Kỳ bãi bỏ các điều khoản hạn chế con cái bảo lãnh cha mẹ, từ 90,000 xuống còn 40,000 trường hợp cho cả nước; đòi rút lại việc chấm dứt bảo lãnh diện anh em, và diện cha mẹ bảo lãnh con trên 21 tuổi.

Theo ông Dan Hoang, OCAPICA sẽ phát động một chiến dịch 'Hãy Nói Để Quốc Hội Nghe Những Câu Chuyện Đau Lòng Có Thật' qua đường dây nóng: 714-636-9096 trong các cộng đồng gốc Á, và kêu gọi các công dân Mỹ gốc Á gửi thư trực tiếp tới Quốc Hội Hoa Kỳ hoặc nhờ OCAPICA chuyển giùm, để phản đối dự luật S. 1348.

Hội thảo về dự luật di dân mới

Hội thảo về dự luật di dân mới
Friday, June 01, 2007


Hình bên: Ông Nam Lộc (phải) cùng Luật Sư Daniel Huang (phải) thuộc Trung Tâm APALC và ông Ðức Nguyễn, giám đốc chương trình của Hiệp Hội OCAPICA, trình bày về dự luật di trú mới và sáng kiến “Tell Congress.” (Hình: Trung Ðỗ/Người Việt)

Nguyễn Ngọc Chấn/RadioVNCR.com

WESTMINSTER, California (VNCR) - Một cuộc hội thảo quy tụ hơn 200 đồng hương Việt Nam đã diễn ra sôi nổi về đề tài dự luật di dân mới, đang được thảo luận tại Thượng Viện và được Tòa Bạch Ốc ủng hộ. Cuộc hội thảo do Trung Tâm Luật Pháp Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương (Asian Pacific American Legal Center - APALC) tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt chiều Thứ Năm 31 Tháng Năm.

Phía diễn giả có ông Nguyễn Nam Lộc, giám đốc cơ quan di trú nhập tịch USCC, Los Angeles; Luật Sư Daniel Huang, thuộc trung tâm APALC; ông Ðức Nguyễn, giám đốc chương trình của Hiệp Hội OCAPICA, cùng một số các luật gia khác sắc tộc trong vùng.

Theo ông Nam Lộc, một dự luật đang được bàn cãi sôi nổi trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ mà theo ông, nếu được bầu thuận thì sự thiệt thòi lớn nhất sẽ về phía đồng hương Việt Nam chúng ta. Căn cứ theo dữ kiện đang diễn biến dồn dập mấy tháng qua, dự luật S. 1348 (Border Security and Immigration Reform Act) của năm 2007 đang được biểu quyết tại Thượng Viện Hoa Kỳ.

Dự luật này nhắm vào việc an ninh biên giới đã kéo theo việc cải tổ di trú được chia ra làm 7 phần chính:

Phần 1 trách nhiệm cho Bộ An Ninh liên hệ tới những điều kiện chiếu khán Y, dành cho những người làm việc tạm thời, visa Z dành cho những người đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Ðiều kiện gồm có:

- Phải mướn thêm 18,000 nhân viên tuần tra biên giới (Border Patrol).

- Phải xây chướng ngại vật cho xe cộ dài 200 miles và 370 miles hàng rào.

- 70 tháp canh có trang bị máy rada và máy quay phim ở biên giới phía Nam.

- Triển khai 4 máy bay không người lái với hệ thống hỗ trợ.

- Chấm dứt việc bắt rồi thả.

- Có phương tiện bắt giữ 27,500 người di dân lậu mỗi ngày.

- Tăng cường phương sách ngăn ngừa việc đi làm bất hợp pháp.

- Có khả năng để nhận và giải quyết đơn xin chiếu khán Z.

Phần 2, liên hệ tới quy định cho việc chấp hành luật di trú trong nội địa. Luật lệ và hình phạt khắt khe hơn về vấn đề:

A. Những ngoại kiều đã từng phạm pháp.

B. Nới rộng định nghĩa tội đại hình trầm trọng (Aggravated Felony).

C. Tội ác băng đảng.

D. Gian lận luật di trú như cưới hỏi giả để hưởng quyền di trú.

Phần 3 liên quan tới việc mướn nhân viên di dân bất hợp pháp, bằng cách gia tăng hình phạt và thay đổi luật, bắt buộc chủ nhân phải xác minh tình trạng di trú của nhân viên.

Phần 4 quy định việc lập diện Y visa cho nhân viên làm việc tạm thời để giải quyết sự cần nhân viên cho tương lai.

Phần 5, quy định việc thay đổi hệ thống cấp thẻ thường trú nhân. Phần này cũng thay đổi việc bảo lãnh nhân viên qua hệ thống tính điểm. Phần này loại bỏ chương trình bảo lãnh thân nhân theo các ưu tiên đang được áp dụng hiện nay như ưu tiên 1, ưu tiên 2 B, ưu tiên 3 và ưu tiên 4. Các diện đều bị ảnh hưởng nặng ngoại trừ diện ưu tiên 2A tức vợ chồng và con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân. Phần này gây ảnh hưởng lớn lao cho cộng đồng di dân của chúng ta.

Phần 6, quy định lập ra diện visa Z, dành cho việc giải quyết những người đang trong tình trạng di trú bất hợp pháp.

Phần 7 quy định việc đồng hóa những người di dân mới và thường trú nhân v.v... vào đời sống Hoa Kỳ. Dự luật này có thêm mục miễn thi quốc tịch bằng Anh Ngữ cho những người trên 75 tuổi.

Theo sự trình bày rõ ràng của ông Nam Lộc, phần 5 của dự luật 1348 có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với đồng hương Việt Nam. Dự luật này sẽ loại bỏ các loại ưu tiên 1, 2B, 3 và 4, chỉ còn lại ưu tiên 2A được giữ lại với số chiếu khán cấp tối đa là 87,000 mỗi năm. Dự thảo luật sẽ dành riêng 440,000 chiếu khán để giảm bớt sự tồn đọng của những hồ sơ bảo lãnh theo diện thân nhân đã nộp trước Tháng Năm năm 2005 của các ưu tiên 1, 2B, 3 và 4.

Phần trình bày của ông Nam Lộc đi sâu vào các chi tiết từng diện ưu tiên hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp tới họ, nếu dự luật này thành luật và, nếu được tổng thống ký thành sắc luật ban hành.

Trước những ưu tư của đồng bào tham dự, Trung Tâm Di Dân Gốc Á Châu Thái Bình Duơng đưa Luật Sư Daniel Huang tới đề nghị những giải pháp cấp bách để những thiệt thòi này không diễn ra hoặc giảm bớt được chừng nào hay chừng ấy.

Họ kêu gọi chúng ta cần phải tạo tiếng nói với các vị dân cử, qua chương trình “Tell Congress”. Trong chương trình “Tell Congress” này, các cử tri sẽ nói với các thượng nghị sỹ, dân biểu đại diện cho mình, nêu lên những câu chuyện từng cá nhân để các vị dân cử có dữ kiện trình bày trước lưỡng viện Quốc Hội.

Với sáng kiến “Tell Congress,” các nhà vận động bảo vệ chương trình bảo lãnh gia đình hy vọng sẽ khiến cho các vị dân cử biết được thực trạng các gia đình đang làm đơn bảo lãnh. Người di dân đóng góp thế nào cho xã hội Hoa Kỳ; khi họ bảo lãnh gia đình qua đây thì gia đình đóng góp thế nào cho Hoa Kỳ; đó là những điều các vị dân cử cần biết, trước khi thẳng tay cắt đứt mối liên hệ gia đình trong luật di trú.

Quí vị có những vấn đề bảo lãnh thuộc các diện bị ảnh hưởng bởi dự luật 1348, có thể gọi thẳng cho các dân biểu, nghị sỹ tiểu bang mình hoặc gọi vào Trung Tâm APALC nói tiếng Việt xin gọi số 1-800-267-7395, họ ghi nhận những mẫu chuyện đáng thương của mình để trình lên Quốc Hội.

Nếu là cư dân tiểu bang California, chúng ta có thể gọi điện thoại tới hai văn phòng hai thượng nghị sỹ là Barbara Boxer số 202-224-3553 và bà Dianne Feinstein. Mỗi tiểu bang, độc giả có thể liên lạc với các văn phòng địa phương lấy số điện thoại, gởi thư, email, điện thư tới văn phòng của họ. Tất cả chúng ta đều lên tiếng chắc hẳn họ phải lắng nghe nguyện vọng của cử tri nhất là sắp có những cuộc bầu phiếu quan trọng sắp diễn ra.

Trung Tâm Pháy Lý Á Châu cũng đưa ra thư mẫu để đồng hương gởi thẳng tới các vị dân cử với ngôn ngữ thật giản dị gióng lên tiếng kêu gào bắt buộc họ phải lắng nghe.

Sau phần trình bày của hai diễn giả có phần giải đáp các thắc mắc chung. Những câu hỏi có tính cách riêng lẻ, ông Nam Lộc đã ở lại rất lâu để thảo luận riêng với từng người trong cuộc.

Nếu còn thêm thắc mắc và muốn biết thêm các chi tiết về dự luật này, độc giả có thể liên lạc với ông NAM LỘC, (213) 251 3460 hoặc gọi Trung Tâm AALC nói tiếng Việt số 1-800-267-7395. (N.N.C.)
 
Model mtva Model mtva Vdict