1.[z-qhx] (H) [qhx] (H) [xhds] (H) [stls] (H) [tacs] (H) [db] (H) [gfv] (H) [news] (H) - 2.DOWNLOAD TaiLieu - 3. VUOT TUONG LUA - 4.[Chu Viet] - 5.[Audio] 6.[SuThat] (10.H_mt) (11.H_qh)

vendredi 27 avril 2007

Học đường vấy máu

Học đường vấy máu
Định Nguyên
“… Mọi người đều có tự do, nhưng mục đích sử dụng tự do của người lương thiện và kẻ bất lương hoàn toàn khác nhau …”



Phạm Đỉnh:Sự việc tại Virginia Techs là một bi kịch xã hội và của cá nhân Cho Seung-Hui. Đằng sau tấn bi kịch kia là cái nền “văn hoá súng đạn”. Chuyện “văn hoá súng đạn” không phải là một việc riêng của nước Mỹ. Đó là một nan đề chính trị - xã hội mà một chính quyền biết đặt quyền lợi và phúc lợi của người dân cần phải đề ra các giải quyết thoả đáng.

Trông người lại ngẫm đến ta.

Văn hoá nặng tính chất bạo lực cũng đang là một nan đề trong xã hội Việt Nam và cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Những điều Định Nguyên trình bày dưới đây là một lời mời gọi người Việt chúng ta nhìn lại mình.

Trường học Mỹ một lần nữa lại vấy máu.

Ngày 16 tháng Tư năm 2007, một sinh viên di dân người Nam Triều Tiên tên là Cho Seung-Hui, 23 tuổi, đã nổ súng loạn xạ giết chết 33 người (kể cả hắn), làm bị thương hàng chục người khác tại Trường Đại Học Virginia Tech (Blacksburg, Virginia). Đây là vụ bạo loạn học đường khủng khiếp nhất trong vòng mấy chục năm nay, đã làm kinh hoàng nước Mỹ và gần như toàn bộ thế giới. Hình ảnh những người trẻ tuổi, tương lai đầy hứa hẹn… chết hoặc bị thương nằm la liệt trong lớp học, trên lối đi, trong sân trường đã làm cho người ta bàng hoàng, đau xót và suy nghĩ. Chuyện vấy máu học đường xẩy ra khá thường xuyên trên đất Mỹ. Chỉ trong vòng khoảng bốn chục năm trở lại đã có 33 trường hợp bắn súng (hoặc toan sử dụng vũ khí) trong các trường học trên khắp các tiểu bang của Mỹ, làm cho khoảng 130 người bỏ mạng, 50 người bị thương gồm cả học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, công nhân viên nhà trường (Time ngày 16-4-2007). Đó là chưa kể hàng trăm vụ bắn giết nhau xẩy ra hằng ngày trên khắp mọi ngõ ngách của nước Mỹ. Hằng ngày có hơn 80 người Mỹ bị bắn chết (theo The Coalition to Stop Gun Violation). Hằng năm, có hơn ba chục ngàn người Mỹ chết vì súng đạn kiểu nầy (Yahoo! News ngày 18-4-2007)!

Đối với nhân loại trên thế giới, đây là một tệ nạn xấu xa và khó hiểu nhất của nước Mỹ. Người Mỹ cũng biết như thế nhưng tại sao tệ nạn nầy vẫn cứ xẩy ra hoài mà họ không ngăn ngừa được? Tại sao họ chỉ ngồi “đợi” sự việc xẩy ra rồi mới giải quyết mà không làm gì để đề phòng? Họ bất lực chăng? Đúng là họ đã bất lực. Họ bất lực trong việc thay đổi luật pháp. Họ bất lực trong việc kiểm soát mục đích xử dụng súng của những người có súng. Luật pháp Mỹ cho phép công dân họ và những người thường trú không có tiền án, được phép mua và sử dụng súng. Cho Seung-Hui đã qua Mỹ 14 năm, đã có thẻ xanh và không có tiền án nên có quyền mua súng. Vì ai cũng có thể mua súng dễ dàng như thế nên trong nước Mỹ đã có một số lượng quá lớn lao súng đạn lưu hành tự do. Người ta tự hỏi, với tình trạng súng đạn như thế, với sự phức tạp và đa dạng của xã hội Mỹ, làm sao ngăn ngừa được những sự bắn giết lẫn nhau, những sự thảm sát giống như vụ Virginia Tech nầy?


Cho Seung-Hui đã nổ súng loạn xạ


Cách đây khoảng 12 năm, khi tôi học năm cuối tại Cosumnes River College niên khoá 1994-1995, lớp học mà tôi nhớ lâu nhất, gây ấn tượng nhiều nhất là lớp English 1A (lớp học để viết tiếng Mỹ). Vào một sáng thứ sáu nọ chúng tôi chuẩn bị để viết bài Final Research Essay, trước khi khoá học chấm dứt. Mọi người ai cũng đến sớm, chuẩn bị tinh thần trong sự hồi hộp lo lắng. Không biết thầy cho đề gì đây, khó hay dễ? Sau khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi, ông thầy lững thững đi vào, chào cả lớp buổi sáng rồi quay lưng lại viết lên chính giữa bảng đen: GUN CONTROL! Ông chia bảng đen ra làm hai phần bằng một đường phấn dọc, một bên ông viết “Support” (ủng hộ), bên kia “Against” (chống lại). Đoạn ông quay xuống lớp nói: “Ai ủng hộ việc kiểm soát vũ khí ngồi phía tay phải của tôi. Ai chống ngồi phía trái”. Ông cho chúng tôi một tiếng đồng hồ để thảo luận trong nhóm, đưa ra những lý do để biện minh cho lập trường ủng hộ hay chống đối việc kiểm soát vũ khí. Sau đó mỗi nhóm nêu lên ý kiến của mình và được ông thầy viết lên bảng. Tôi muốn nhắc lại chuyện nầy để chứng tỏ từ lâu người dân Mỹ đã có hai khuynh hướng đối nghịch nhau về việc sở hữu súng đạn. Chỉ trong một tập thể nhỏ chừng ba chục người như lớp chúng tôi mà còn có hai khuynh hướng như thế huống gì trong xã hội rộng lớn của Mỹ. Những người ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc mua bán súng (trong đó có tôi) cho rằng không có súng thì không thể giết người, nhất là không thể có thảm sát hàng loạt người vô tội được. Những người chủ trương tự do mua và sử dụng súng cho rằng “Người giết người, chứ không phải súng” (Man kills man, not the gun)! Cấm bán súng là vi phạm tự do, cấm mua súng là vi phạm dân quyền và nhân quyền, nhất là quyền được tự vệ chính đáng.

Ai cũng biết hạn chế hoặc cấm sử dụng súng đạn là điều cần thiết cho an toàn xã hội. Phần lớn các chính phủ trên thế giới đều làm như thế, ngoài quân đội, cảnh sát hoặc những nhân viên đặc biệt của chính phủ, người dân không có quyền sở hữu vũ khí. Thế mà ở Mỹ thành phần chủ trương tự do sử dụng súng đã thắng. Tuy mỗi tiểu bang có chính sách sở hữu súng đạn khác nhau, nhưng quyền được mua, lưu giữ và sử dụng súng được quy định trong Tu Chính Án Thứ Hai (the Second Amendment) trong Hiến Pháp Liên Bang. Muốn hạn chế việc mua bán, sử dụng súng đạn phải sửa đổi Tu Chính Án nầy! Đó là vấn đề hết sức gai góc và khó khăn, đã có rất nhiều cố gắng nhưng chưa thành công được. Sau vụ thảm sát tại Trường Trung Học Columbine ở Colorado vào năm 1999, và một năm sau đó phong trào gọi là “Million Mom March” gồm hàng ngàn phụ nữ biểu tình tuần hành tại Hoa Thịnh Đốn để đòi hỏi phải có những luật lệ nghiêm ngặt trong việc kiểm soát súng đạn thì Gun Control đã có những bước tiến đáng kể: Sự ra đời của luật cấm sử dụng súng bán tự động và những băng đạn chứa nhiều đạn được ban hành năm 1994 dưới thời Tổng Thống Bill Clinton. Nhưng luật nầy chỉ có giá trị giai đoạn. Nếu đáo hạn mà không được quốc hội biểu quyết lưu dụng và không được tổng thống đương nhiệm ký ban hành thì luật nầy sẽ không còn giá trị. Năm 2004 mặc dầu Tổng Thống George W. Bush có bắn tiếng là sẽ ký gia hạn luật nầy, nhưng các lãnh tụ Đảng Cọng Hòa trong Quốc Hội (chiếm đa số tại lưỡng viện), đã lờ không biểu quyết lưu dụng nên luật nầy hết hiệu lực. Chính nhờ sự “chìm xuồng” nầy mà tên sát nhân Cho Seung-Hui mới mua được súng bán tự động cùng 50 viên đạn để tàn sát những người vô tội tại Đại Học Virginia Tech.


Văn hoá súng đạn, bạo lực


Hiện nay, sau vụ thảm sát ở Virginia Tech xẩy ra, Gun Control lại được rộn ràng nhắc đến, từ phía quần chúng cũng như chính quyền. Như thường lệ, vẫn có hai phe ủng hộ và chống đối việc kiểm soát vũ khí. Phe chủ trương giới hạn việc mua bán và lưu hành vũ khí thì cho rằng nếu luật không cho phép, Cho Seung-Hui không thể mua được súng liên thanh, và việc thảm sát không thể xẩy ra, hoặc nếu xẩy ra thì mức độ tàn hại không đến nổi cao như vậy. Ngược lại, những người ủng hộ “tự do mậu dịch súng đạn” khẳng định sự việc xẩy ra không phải vì luật cho phép Cho Seung-Hui mua súng mà vì lãnh đạo Đại Học Virginia Tech cấm mọi người mang súng vào trường! Theo họ, “Thật là vô trách nhiệm và nguy hiểm nếu không cho người ta mang súng vào trường”. “Người trách nhiệm duy nhất bảo vệ bạn chính là bạn -cảnh sát không đủ khả năng để bảo vệ cho mỗi một chúng ta bất cứ lúc nào”. Đối với họ, “Sự việc xẩy ra thật đáng tiếc và đau lòng, nhưng đó là cái giá phải trả cho tự do!”. Họ khuyến khích mỗi người phải có một khẩu súng để tự vệ, ngay cả trong trường học! Nếu mọi giáo sư, mọi sinh viên… đều có súng thì tên sát nhân đã bị hạ gục sớm, thiệt hại không đến nỗi thảm khốc như thế!

Ai đúng, ai sai? Trước thực trạng nầy, trong tương lai liệu nước Mỹ có ổn định được tình hình súng đạn không, có giới hạn hoặc triệt tiêu được những sự thảm sát tàn bạo như thế không? Báo Orillia Packet &Times online ngày 19 tháng 4 năm 2007 cho rằng: “Gun control is a dead issue in the United States” (Tạm dịch: Kiểm soát vũ khí là một vấn đề bế tắc tại Mỹ)! Thực tế đúng như vậy. Khi một sự việc như thế xẩy ra, người ta ồn ào bàn tán, nhưng sau đó mọi việc sẽ lắng đọng và trở lại như cũ! Tại sao? Người ta nghĩ đến hai lý do sau đây.

1. Văn Hoá Súng Đạn (Gun Culture):

Có người ví von: nếu người Anh có bộ răng xấu xí, người Pháp hôi mùi tỏi thì trên thân hình người Mỹ có nhiều vết đạn! Trên thế giới không có nước nào mà thường dân “nuôi” súng đạn trong nhà nhiều bằng dân Mỹ, không có nước nào mà “tai nạn” súng đạn nhiều như nước Mỹ. Có thể nói sinh hoạt súng đạn đã trở thành một nếp sống văn hoá của họ. Từ khi người Anh và những người Âu khác đặt chân đến xứ sở nầy, nước Mỹ còn trong tình trạng hoang dã. Vì hoàn cảnh đất rộng người thưa, vì phải đối mặt thường xuyên với nguy hiểm đến từ kẻ thù cũng như thú dữ, họ phải có vũ khí để tự vệ, để mưu sinh. Sau khi giành được độc lập từ tay người Anh tình trạng vẫn thế, họ phải đề phòng sự tấn công của người da đỏ, những kẻ mang hận mất đất, đêm ngày rình rập để giết bất cứ người da trắng cướp đất nào. Súng đạn đã trở nên một nhu cầu sinh tử đối với từng cá nhân người Mỹ. Sau nầy hiện tượng “cao bồi” (cow boys) với những chàng trai cao lớn mặc quần Jean, giày cao ống, mũ rộng vành, súng xệ bên hông…cỡi ngựa như bay và “tác xạ tự do” trên các thảo nguyên, trên các đồng cỏ… đã trở nên một hình ảnh sinh hoạt độc đáo của dân Mỹ. Không ai ngạc nhiên khi quyền sở hữu súng đạn của người Mỹ được luật pháp bảo vệ. Cho đến nay, mặc dầu đã trở thành một cường quốc văn minh giàu có, người Mỹ vẫn không thể sống mà không có súng bên cạnh. Theo thống kê trên báo Seatle Times, cứ 100 người Mỹ thì có tới 90 người sở hữu súng, tỉ lệ cao nhất thế giới! Chính điểm nầy đã làm cho sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hoá của người Mỹ khác biệt hoàn toàn so với những nước văn minh khác trên thế giới. Đó là văn hoá súng đạn, “gun culture”, mà người ngoại quốc khó mà hiểu được.

2. Quyền Lợi Chính Trị

Khoan nói đến quyền lợi quốc gia dân tộc, tạm quên đi cái gọi là lương tâm đạo đức mà nên nghĩ ngay đến quyền sở hữu súng đạn. Những người Mỹ muốn giữ súng sẽ chống lại, không bỏ phiếu cho bất cứ đảng nào, chính trị gia nào đòi tước đoạt quyền sở hữu vũ khí của họ! Có người cho rằng ông Al Gore thất cử tổng thống năm 2000 vì khi tranh cử ông ta đã tuyên bố sẽ nghiêm khắc kiểm soát vũ khí. Khác với Đảng Cọng Hoà (CH), Đảng Dân Chủ (DC) có truyền thống ủng hộ mạnh mẽ việc kiểm soát và giới hạn việc sử dụng súng đạn trong xã hội. Chính vì lập trường nầy nên sự ủng hộ của quần chúng giành cho họ ngày càng giảm. Họ phải chịu thân phận thiểu số tại quốc hội trong suốt 12 năm qua. Cho nên vì quyền lợi chính trị họ phải thay đổi lập trường! Có người đã nghĩ rằng tại Tiểu Bang Montana, vùng cứ địa lâu nay của Đảng CH, Đảng DC đã giành được ghế thượng nghị sĩ và ghế thống đốc nhờ vào sự thay đổi lập trường nầy. Khi tranh cử, ông Jon Tester đã tuyên bố rằng “tôi sẵn sàng chống lại bất cứ kẻ nào, CH hay DC, muốn tước đoạt quyền giữ súng của dân Montana”. Ông ta đã đắc cử thượng nghị sĩ Montana. Ông Brian Schweizer thì nói “tôi đã có nhiều súng, dư dùng, nhưng vẫn muốn có thêm. Tôi cũng muốn kiểm soát vũ khí, nhưng bạn kiểm soát của bạn tôi kiểm soát của tôi” (nghĩa là không ai lệ thuộc ai, không ai có quyền kiểm soát ai cả, kể cả chính quyền)! Ông ta đã đắc cử thống đốc Montana!

Ngoài thành phần đông đảo người Mỹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền sở hữu súng đạn còn có tập đoàn National Rifles Association (NRA) mà có người mệnh danh là Hội Lái Súng, bao gồm những đại cổ thụ trong hàng ngũ bảo thủ, giàu có và thế lực bao trùm cả nước. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để vận động cho những ứng cử viên gà nhà trúng cử hoặc để đánh bại những ai dám lăm le đe dọa đến quyền lợi của họ. Báo Washington Post ngày 17-4-2007 nhận định như sau: “Hội NRA là một trong những cơ quan vận động mạnh mẽ nhất, họ để mắt theo sát và chống lại bất cứ một nổ lực nào nhằm cấm hoặc hạn chế quyền dùng súng. Chính điều nầy đã làm cho luật lệ kiểm soát vũ khí không tiến triển được trong nhiều năm qua”. Như thế, vì sự nghiệp chính trị, các dân biểu nghị sĩ trong lưỡng viện quốc hội sẽ không dám làm mất lòng thành phần đông đão muốn sở hữu súng, không dám đụng đến thế lực của NRA! Tình trạng nhập nhằng nguy hiểm hiện nay khó mà thay đổi được. Đạo luật “Crime Bill” dưới thời TT. Clinton chỉ giới hạn loại súng và số lượng đạn được mua mà còn bị chết yểu thì hy vọng gì chính quyền Mỹ sẽ thay đổi luật pháp, cấm hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng vũ khí để bảo vệ sự an toàn của người dân.

Một điểm đáng lo nữa là người Mỹ chỉ điều tra lý lịch những người mua súng một cách máy móc, không cần đặt nghi vấn hoặc thắc mắc gì về ý định của người muốn mua súng. Tên sát nhân Cho Seung-Hui trong hai tháng (tháng 2 và tháng 3, năm 2007) đã mua hai khẩu súng liên tiếp (luật Virginia chỉ cho phép mỗi tháng mỗi người chỉ mua được một khẩu!) tại một cửa hàng bán súng gần khu vực của trường Virginia Tech. Sau khi nội vụ xẩy ra, khi được phỏng vấn, người chủ tiệm bán súng đã trả lời “Có vấn đề gì đâu, cậu ta là một sinh viên dễ thương và trong sạch” (He’s a nice, clean-cut college kid!). Dĩ nhiên khi mua súng hắn phải qua thủ tục “criminal check” bằng hệ thống computer. Hắn không có tiền án thì OK. đưa tiền lấy súng, không cần biết ý định của hắn mua súng để làm gì! “Truyền thống” sở hữu vũ khí của người Mỹ không phải là vấn đề. Vấn đề là những kẻ xấu đã, đang, và sẽ lợi dụng sự tự do nầy để mua súng thực hiện những cuộc tàn sát dã man. Người Mỹ đà làm được bom nguyên tử, vũ khí tinh khôn, và rất nhiều phát minh khoa học hiện đại khác, nhưng họ không biết được (hay họ không muốn biết?) âm mưu đen tối của những tên hiếu sát và điên khùng như Cho Seung-Hui. Mọi người đều có tự do, nhưng mục đích sử dụng tự do của người lương thiện và kẻ bất lương hoàn toàn khác nhau. Chuyện nầy người Mỹ chưa có hướng giải quyết!

Trở lại câu nói trứ danh của phía NRA “Man kills man, not the gun” để tìm hiểu thêm nước Mỹ. Câu nầy có thể viết lại bằng tiếng Việt: “Súng không giết người mà người giết người”. Đi thêm một bước nữa sẽ thấy chuyện lạ “Súng không giết người Mỹ mà người Mỹ giết người Mỹ”! Một ngày người Mỹ giết khoảng hơn tám chục người Mỹ. Một năm người Mỹ giết khoảng hơn ba chục ngàn người Mỹ! Cứ thế, bắn giết xẩy ra liên tu bất tận bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, không phân biệt già trẻ, trai gái, sinh viên giáo chức… Nếu vì quyền lợi chính trị và kinh tế của những cá nhân hay tập đoàn nào đó mà người Mỹ không thể hoặc không muốn chấm dứt tình trạng bạo hành vô lý và khó hiểu nầy thì xin đừng ai hỏi: “Bao giờ học đường Mỹ tránh được nạn vấy máu?”. Thôi thì “Trời kêu ai nấy dạ”!
Định Nguyên



Viết theo tài liệu online của các báo:
The Seatle Time ngày 18-4-2007,
The Columbus Dispatch ngày 18-4-2007,
The Times ngày 17-4-2007,
The Washington Post ngày 18-4-2007,
Forbes ngày 18-4-2007,
Dominion Post 19-4-2007

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1751

Aucun commentaire:

 
Model mtva Model mtva Vdict